Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy, nổ trong tình hình hiện nay
Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy, nổ trong tình hình hiện nay
Tạp chí CSND - Trong những năm gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ trung bình mỗi năm xảy ra 2800 vụ, cụ thể: Trong năm 2015, cả nước xảy ra 2.792 vụ cháy, trong đó 1.101 vụ cháy tại các cơ sở; 1.121 vụ cháy nhà dân; 182 vụ cháy phương tiện giao thông và 388 vụ cháy rừng, làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỉ đồng và 1.623 ha rừng; 35 vụ nổ, làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng...
Năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, trong đó có 1.229 vụ cháy tại các cơ sở, 1.290 vụ cháy nhà dân; 169 vụ cháy phương tiện giao thông, 318 vụ cháy rừng, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1.240 tỉ đồng và 1.800 ha rừng. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra 29 vụ, mặc dù chỉ chiếm 0,96% tổng số vụ cháy nhưng gây thiệt hại 931,8 tỉ đồng, tương đương 75,1% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra, làm chết 13 người, bị thương 4 người; 23 vụ nổ làm chết 7 người, bị thương 48 người, thiệt hại về tài sản khoảng 1,4 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.364 vụ cháy (tăng 858 vụ, 56,9% so với cùng kỳ năm trước), làm 51 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1.173 tỉ đồng và 806 ha rừng.
Qua khảo sát đặc điểm, tình hình, thực trạng các cơ sở xảy ra cháy nổ cho thấy:
Về loại hình cơ sở xảy ra cháy, nổ nhiều: Khu công nghiệp, chung cư, nhà dân, cơ sở cho thuê mặt bằng để kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như vũ trường, quán bar, Karaoke. Mức độ thiệt hại do sự cố cháy nổ gây ra là rất lớn, có vị thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng, ví dụ như: Vụ cháy xảy ra ngày 6/3/2015 tại nhà xưởng sản xuất kho chứa hàng thuộc Công ty TNHH Việt Nam Sam Ho chuyên sản xuất giày thể thao (Thành phố Hồ Chí Minh), gây thiệt hại tài sản trị giá 315,214 tỉ đồng; vụ cháy tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Bắc Ninh), gây thiệt hại tài sản trị giá 317 tỉ đồng.
Về nguyên nhân xảy ra cháy, nổ: Chủ yếu là do chập điện; hàn xì; khí ga hóa lỏng; xăng dầu… trong đó, chập điện chiếm 78% tổng số vụ cháy. Số người thiệt mạng trong các vụ cháy chủ yếu là do ngạt thở (khí độc sản sinh ra từ những vật liệu cháy), không có lối thoát hiểm. Cụ thể: Vụ cháy Quán Karaoke ở số 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/11/năm 2016, nguyên nhân cháy do hàn xì làm 13 khách hát trong quán thiệt mạng. Lực lượng chức năng kiểm tra cho thấy, cơ sở kinh doanh Karaoke không có lối thoát hiểm, số người thiệt mạng trong các vụ cháy chủ yếu là do ngạt thở. Sau vụ cháy, quận Cầu Giấy đã đình chỉ toàn bộ hoạt động Karaoke trên địa bàn, lực lượng chức năng kiểm tra 88 cơ sở kinh doanh Karaoke thì 3 nơi dừng hoạt động vì không có giấy phép, 85 cơ sở còn lại đang hoạt động đều có “vấn đề” về phòng cháy, chữa cháy. Hay gần đây nhất là vụ cháy xưởng làm bánh kẹo tại một cơ sở thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội do hàn xì làm cháy xưởng bánh kẹo, đám cháy chặn lối cửa chính, làm 8 công nhân bên trong không kịp thoát ra ngoài và đã thiệt mạng.
Một số địa phương thường xảy ra cháy lớn, nghiêm trọng như: Thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Đà Nẵng; tỉnh Bình Dương; Long An; Đồng Nai và Bắc Ninh;…
Về cơ sở hạ tầng, giao thông: Khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình còn nhiều bất cập, không đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC hiện hành gây ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC; nhiều vấn đề bất cập về quản lý, điều hành công tác PCCC ở những nơi tiềm tàng nguy cơ cháy nổ cao như: Một số chung cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại; giao thông đường xá chật hẹp, không thuận tiện để xe chữa cháy hoạt động thông suốt, trong khi đó, với loại nhà ở liền kề mặt phố kết hợp kinh doanh, phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy còn thiếu; công trình xảy ra cháy gây thiện mạng người thường không có lối thoát nạn, chỉ có lối cửa chính.
Về ý thức người dân: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một số quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống cháy, nổ chưa cao, chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu kỹ năng thoát hiểm hoặc xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, một số cơ sở kinh doanh mới chỉ chú trọng việc tăng lợi nhuận thu nhập cho doanh nghiệm mình mà thiếu đi các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, nhiều cơ sở kinh doanh có hiện tượng “lót tay” cho lực lượng liên ngành kiểm tra công tác phòng cháy, dẫn tới việc, khi có sự cố xảy ra cháy, lực lượng chức năng, báo chí vào cuộc mới thấy rõ vấn đề sai phạm.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC cả nước đã chủ động tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, đề xuất nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC như:
- Tham mưu lãnh đạo Bộ Công an tổ chức nhiều Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, bàn biện pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và phát động “Tháng cao điểm về an toàn PCCC”; tham mưu cho Bộ Công an thành lập các Đoàn liên ngành để kiểm tra công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC, tổ chức công tác chỉ huy chữa cháy theo quy định tại khoản 1, Điều 37 và khoản 1, Điều 38, chương III của Luật PCCC…
- Phối hợp với Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra, lực lượng PCCC các cấp thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng PCCC cả nước đã tổ chức 151.942 lượt kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, phát hiện và kiến nghị khắc phục 162.46 sơ hở, thiếu sót, phạt tiền 12.545 trường hợp vi phạm với số tiền 27,645 tỉ đồng.
- Phối hợp với Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm để triển khai thực hiện Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
- Chủ động phối hợp với UBND, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về PCCC cho người dân; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng phòng, chống cháy, nổ; kịp thời tôn vinh, biểu dương những điển hình tiên tiến về PCCC, đồng thời, công khai phê phán những vi phạm nghiêm trọng về PCCC.
Qua đó, tình hình cháy, nổ đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, hoạt động bảo đảm hạn chế cháy, nổ của lực lượng PCCC vẫn còn tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về tiêu chuẩn kỹ thuật trong PCCC tại các doanh nghiệp chưa nghiêm minh.
- Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa tốt, còn có hiện tượng buông lỏng quản lý vai trò, trách nhiệm chưa cao, công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cấp dưới thực hiện chưa thường xuyên.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác PCCC nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới chưa được quan tâm sâu sắc, công tác tổ chức nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy chưa thực sự coi trọng; bố trí xây dựng lực lượng PCCC tại các địa phương chưa bảo đảm về quân số, chưa đáp ứng được tình hình thực tế, mỗi khi có sự cố cháy lớn, thường phải huy động phương tiện cứu hỏa từ tỉnh lân cận ứng phó, do vậy, việc cứu chữa không được nhanh chóng, kịp thời, cùng với việc thiếu sự hỗ trợ của người dân tại điểm cháy nên dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản; trang bị, phương tiện PCCC chưa đầu tư đủ để đáp ứng yêu cầu đặt ra;…
- Sự phối hợp với lực lượng PCCC dân phòng tại nhiều khu dân cư trên địa bàn cả nước hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ; công tác phối hợp với UBND, Mặt trận tổ quốc, cơ qua thông tấn, báo chí tại một số địa phương về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống cháy, nổ tới người dân chưa chuyên sâu, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành còn hời hợt, đơn điệu, các làm hình thức, thiếu thực tế; công tác thống kê, báo cáo tình hình, đánh giá rút kinh nghiệm về xử phạt vi phạm chưa thường xuyên và nghiêm túc; công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nghiệp vụ cấp trên còn ít.
Vì vậy, tác giả xin đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy, nổ thời gian tới như sau:
Một là, lực lượng Cảnh sát PCCC các tỉnh trong phạm vi quản lý cần thường xuyên bám sát địa bàn, tham mưu kịp thời cho Cục C66 để tiếp tục tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an trình Chính phủ sửa đổi, ban hành các văn bản mới chỉ đạo công tác PCCC như: Tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để có căn cứ pháp lý xử phạt nghiêm minh nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm về PCCC có thể dẫn đến cháy, nổ, việc ban hành các văn bản chỉ đạo phải đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật về PCCC và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn cụ thể; cần có văn bản về xử lý người đứng đầu khi để các cơ sở đóng trên địa bàn sai phạm kỹ thuật an toàn PCCC dẫn đến xảy ra cháy, nổ, tùy theo mức độ thiệt hại để xử lý. Lực lượng Cảnh sát PCCC các cấp tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt văn bản hướng dẫn thật cụ thể về cơ chế phối hợp giữa lực lượng PCCC với từng lực lượng chức năng khác trong công tác phòng, chống cháy, nổ.
Hai là, chủ động Phối hợp với Chính quyền UBND cấp xã, phường, các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương tới địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC đối với các tổ chức, các nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan đơn vị trên địa bàn để mỗi người dân có ý thức, kinh nghiệm trong các vụ cháy, nổ qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức PCCC, chấp hành tốt các quy định về PCCC góp phần hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra và biết các xử lí tình huống khi có sự cố cháy, nổ. Xây dựng, phát triển phong trào toàn dân tham gia phòng chống cháy, nổ sâu rộng, gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở. Xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các khu dân cư nhằm thu hút người dân cùng tham gia phòng, chống cháy, nổ để mỗi địa phương được bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ xảy ra. Tổ chức cho các cơ quan, doanh nghiệp cùng tham gia ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; phối hợp với các ban, ngành, nhà trường tổ chức các buổi Hội thảo khoa học, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống cháy, nổ tại các đơn vị địa phương để nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng làm công tác PCCC tại cơ sở.
CÔNG TY TNHH MTV TMDV QUANG HUY ĐẠT
TEL: (0274).377.2299 - 0274.37788
Địa chỉ: 240B/17, KP Nội Hóa 2, P. Bình An. TX. Dĩ An, T. Bình Dương
VPDD: 130 Đại lộ Bình dương, P. Thuận Giao, TX. Thuận An, T. Bình Dương
VPDD: Số 13, ngõ 66, Đại Cồ Việt, P. Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội.
Web: www.quanghuydat.com Email:congtyquanghuydat@gmail.com
Các bài viết khác
- Kiểm soát tốt tình hình an toàn cháy nổ trong thời gian tới (24.01.2019)
- Giải mã nguyên nhân hàng loạt vụ cháy các công ty gỗ tại Bình Dương (24.01.2019)
- Những tài liệu cần thiết để đánh giá nguy hiểm cháy, nổ của các quá trình công nghệ sản xuất (23.01.2019)
- NỘI QUY PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY (23.01.2019)
- Kiến thức và cách phòng cháy chữa cháy PCCC cơ bản cho chính bạn (23.01.2019)